Lãnh đạo Cục thuế tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đang tập trung đẩy mạnh thu hồi hơn 140 tỷ đồng nợ đọng thuế của 55 doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó có doanh nghiệp nợ đọng tiền thuế lên đến 30 tỷ đồng.
Theo đó, từ nay đến cuối năm ngành Thuế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm theo Quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xử lý việc tính tiền chậm nộp, cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn… đối với những trường hợp chậm nộp và chây ỳ nợ thuế.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đôn đốc nợ thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặt khác, thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng phải cưỡng chế theo quy định.
Trước mắt, ngành sẽ phốt hợp tốt với các cơ quan liên quan như: Kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện công khai thông tin người nộp thuế có số nợ thuế lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Luật Quản lý thuế.
Cũng theo lãnh đạo Cục thuế Phú Thọ, nguyên nhân dẫn đến nợ thuế là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp do sản lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ thấp, sản phẩm tồn kho lớn nên không có khả năng nộp ngân sách Nhà nước như: các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản…
Đặc biệt, nhóm nợ thuế khó thu vẫn còn cao và có chiều hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp có số nợ khó thu lớn là do nguyên nhân đã ngừng hoạt động hoặc mất khả năng thanh toán như: Công ty cổ phần thép Sông Hồng nợ trên dưới 30 tỷ đồng; Công ty Xi măng Hữu Nghị, Công ty cổ phần khai khoáng và cơ khí hữu nghị Vĩnh Sinh nợ từ 6 đến gần 9 tỷ đồng…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chây ỳ, chưa có ý thức chấp hành nộp ngân sách Nhà nước. Các khoản nợ khó thu của đối tượng bỏ trốn, mất tích, ngừng hoạt động, đối tượng liên quan đến trách nhiệm hình sự, giải thể, phá sản; mất khả năng thanh toán đang áp dụng cưỡng chế thuế vẫn phải tính tiền chậm nộp nên làm số nợ khó thu có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó, hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế chưa cao mà nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp trích tài khoản đều không có tiền gửi hoặc tiền thanh toán qua ngân hàng. Các doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đều trong tình trạng ngừng hoạt động, hoặc mất khả năng thanh toán, nên không thu được tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước./.