Đây là một trong những kiến nghị được đề cập đến tại hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV): Tầm nhìn và hành động” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức ngày 3/6 tại Hà Nội.
Ông Lê Văn Khương – Trưởng phòng Phát triển DNNVV – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay DNNVV đang là lực lượng chiếm đa số, không chỉ giúp tạo công ăn việc làm mà còn tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định. Vì vậy, trong thời gian qua, đã có rất nhiều văn bản QPPL liên quan của các Luật như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý thuế…được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý để DNNVV phát triển. Theo đó, việc thành lập DN đã giảm từ 10 xuống 5 thủ tục; giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày và hiện nay chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra tới đây sẽ có khoảng 3.299 điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ kể từ ngày 1/7/2016 nhằm “cởi trói” hơn nữa.
Tuy nhiên để tiếp tục hỗ trợ DNNVV nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn và tạo cơ hội cho các DN có tiềm năng trong các ngành, lĩnh vực được lựa chọn, qua đó hình thành lực lượng DN có năng lực cạnh tranh, phát triển hiệu quả trên cơ sở các lợi thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Theo ông Khương, đây là một luật mới, lần đầu xây dựng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực theo quá trình thành lập và hoạt động của DN, nhưng sẽ thay đổi cơ bản về quan điểm và cách nhìn nhận theo hướng từ quản lý nhà nước sang phục vụ. “Với 7 chương, 49 điều, trong đó có nhiều quy định về hỗ trợ như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế thu nhập DN, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ mua sắm công…, Luật hỗ trợ DNNVV còn tiến tới minh bạch, bình đẳng để tất cả các DN đều có cơ hội phát triển bền vững” – ông Khương cho hay.
Lâm Phong