Để thực hiện mục tiêu có một triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động đến năm 2020 như Nghị quyết 35 của Chính phủ thì một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, đăng ký hoạt động theo Luật DN. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đang gặp không ít khó khăn vì những cơ chế, chính sách liên quan đến thủ tục hành chính thuế, quản trị DN chưa hợp lý… khiến các hộ kinh doanh chưa thực sự mặn mà với việc chuyển đổi.
Hộ kinh doanh “ngại” phát triển lên thành doanh nghiệp
Hiện nay, khu vực hộ kinh doanh cá thể đang có rất nhiều tiềm năng, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế của đất nước. Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hơn 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, khoảng 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 triệu lao động. Nhìn chung, khu vực kinh tế này hoạt động chưa thật minh bạch và cơ bản đang được áp dụng loại hình thuế khoán đơn giản. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các hộ kinh doanh cá thể cũng đang gặp nhiều trở ngại.
Hộ kinh doanh cá thể được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng DN, góp phần đạt mục tiêu một triệu DN hoạt động đến năm 2020. Theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, về mặt thủ tục, điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN không có gì phức tạp sau khi có Luật DN năm 2014. Hộ kinh doanh chỉ gửi đơn xin thành lập DN và kèm theo các giấy tờ về nhân thân.
Cũng theo ông Tô Hoài Nam, sở dĩ nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn chuyển sang loại hình DN trước hết là muốn tránh nghĩa vụ thuế. Hiện các hộ kinh doanh được áp dụng mức thuế khoán, vì vậy mà thiếu sự chặt chẽ, minh bạch trong khai báo thuế. Mặt khác, phần lớn các hộ kinh doanh đều ngại các thủ tục hành chính còn rườm rà; thời gian để bảo đảm được các nhu cầu hoạt động liên quan đến sổ sách kế toán…
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì các hộ kinh doanh thường rất thận trọng khi quyết định chuyển thành DN. Bởi vì có thể thấy hiện tại, các cơ sở kinh doanh được áp dụng chính sách thuế khoán chứ không phải dựa trên quy mô. Khi trở thành DN, họ phải thuê nhân viên kế toán và thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp hơn. Không chỉ thủ tục về thuế, thủ tục về lao động, mà còn thủ tục về phòng cháy chữa cháy, công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp… khiến chi phí hoạt động tăng lên. Với những DN siêu nhỏ, doanh thu dưới một tỉ đồng thì rõ ràng, một năm bỏ ra thêm từ 60 đến 70 triệu đồng để thuê kế toán là khoản chi phí không hề nhỏ.
Gỡ khó từ thể chế
Theo tính toán của VCCI, khi trở thành DN chính thức hoạt động theo Luật DN thì chi phí tuân thủ trên lợi nhuận, doanh thu của DN tăng lên rất lớn. Vì vậy, cơ quan Nhà nước cần tính toán kỹ lưỡng hơn, để có thể xác định được với một hộ kinh doanh cá thể trở thành DN chính thức thì chi phí của DN đó tăng lên như thế nào? Làm thế nào để khi đăng ký thành lập DN, họ thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thấy được thuận lợi nhiều hơn cản trở, thì khi đó mới tạo ra động lực lớn để chuyển đổi. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh cá thể trở thành DN cũng cần phải có những đánh giá, phân tích cản trở ở đâu để tìm cách tháo gỡ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, điều ảnh hưởng trực tiếp khiến hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà thành lập DN là vì các thủ tục về kế toán và thuế. Trước hết, các quy định về chế độ kế toán và thuế áp dụng cho DN siêu nhỏ thì cũng đang áp dụng như của DN cỡ vừa. DN nhỏ hay siêu nhỏ vẫn phải duy trì một hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính; kết thúc năm phải lập báo cáo tài chính bắt buộc và bảng cân đối kế toán. DN phải gửi hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế, trong đó có nhiều mục mà đối với DN nhỏ rất phức tạp. Các DN cũng phải tuân thủ quy định về công bố thông tin. Ví dụ như, theo quy định của Luật Kế toán, những DN nhỏ, siêu nhỏ vẫn phải thực hiện công bố tài chính, phải lập báo cáo tài chính, với rất nhiều chỉ tiêu như: Tình hình tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu… Đây là gánh nặng rất lớn đối với những DN siêu nhỏ vừa mới được phát triển lên từ các hộ kinh doanh. Vì vậy, một trong những yêu cầu trong thời gian tới là cần phải đơn giản hóa thủ tục này; làm sao để có một chế độ pháp luật về kế toán, về thuế đơn giản, thân thiện, không có nhiều khác biệt so với những điều mà các hộ kinh doanh đang thực hiện.
Theo nghiên cứu của VCCI, những nút thắt khiến các hộ kinh doanh cá thể không có động lực chuyển thành DN chính là việc thỏa thuận thuế hay trốn thuế ở các hộ kinh doanh dễ dàng hơn. Vì vậy, cần phải tạo ra một sân chơi công bằng trong kinh doanh. Khi những lợi thế của hoạt động hộ kinh doanh về giảm thuế không còn nữa thì khi ấy động lực chuyển thành DN sẽ tích cực hơn. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính vì đằng sau cải cách thủ tục hành chính không chỉ là thành tích của cơ quan Nhà nước mà còn là chi phí của các DN. Đối với những DN siêu nhỏ, một vài triệu đồng đóng phí thủ tục hành chính cũng tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận. Những DN này đặc biệt nhạy cảm với việc tăng chi phí về thủ tục hành chính nên phải rà soát, điều chỉnh theo hướng giảm chi phí thủ tục cho DN. Bên cạnh đó, phải có thiết chế hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, như đại lý thuế, dịch vụ kế toán hỗ trợ DN siêu nhỏ…
Muốn một hộ kinh doanh phát triển thành DN thì điều quan trọng nhất là môi trường hoạt động. Chính phủ khuyến khích các hộ kinh doanh từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Tuy nhiên, hiện khung chính sách về hỗ trợ cho DN vẫn chưa bảo đảm tính nhất quán. Ông Tô Hoài Nam cho rằng, muốn hộ kinh doanh chuyển thành DN thì chính sách phải hỗ trợ toàn diện cho tất cả các khâu sản xuất kinh doanh để DN có chỗ dựa, tiếp tục phát triển; trong khi đó, các chính sách hiện mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp.
Nguồn: Báo Kinh Tế Việt Nam