Tại hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế sáng 21/6, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, trong tổng số chi phí gần 40% của doanh nghiệp (DN), thì thuế chỉ chiếm 14,5%, còn lại là chi phí cho bảo hiểm bắt buộc (gần 25%).
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NM.
Bà Cúc cho biết, tổng các khoản đóng góp về thuế và bảo hiểm bắt buộc/lợi nhuận ròng của Việt Nam năm 2014 là 35,2%. Trong đó thuế 11,5%, bảo hiểm bắt buộc 23,7 %. Mức bình quân của ASEAN 6 là 31%, thấp hơn Việt Nam 4,5%.
Tuy nhiên, tỷ suất thuế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với ASEAN 6 là 11,5%/20%, thấp hơn so với mức bình quân của khu vực OECD là 16,1%; khu vưc East Asia & Pacific là 16,4%, nhưng bảo hiểm bắt buộc của Việt Nam lại cao hơn 2 lần so với ASEAN 6 là 23,7%.
“Năm 2016, do tỷ suất lợi nhuận của DN giảm, tỷ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc tăng lên 39,34%. Trong đó tỷ suất thuế TNDN giảm từ 22% xuống 20%, nhưng tỷ suất thuế lại tăng lên 14,53%, bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng lên 24,81%”, bà Cúc thông tin.
Bà Cúc cho rằng, có được kết quả trên đây là do sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã giúp môi trường kinh doanh của Việt nam năm 2016 được tăng 3 bậc (từ xếp thứ 93 lên 90), chỉ số chung về thuế tăng 5 bậc (từ 173 lên 168) trong bản xếp hạng so với báo cáo năm 2014.
Cùng quan điểm với bà Cúc, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban môi trường Kinh doanh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trong gần 40% chi phí của DN thì ngoài thuế, còn có khoản bảo hiểm bắt buộc.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế đã đưa ra 2 nhóm giải pháp.
Cụ thể, về thể chế chính sách, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế; xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế; xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hóa đơn điện tử; nghiên cứu, xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế TNDN, thuế TNCN đối với doanh nghiệp và khoản thuế TNCN do doanh nghiệp trả cho người lao động và đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn theo quy định của Luật quản lý thuế.
Nhóm giải pháp thứ 2 là hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đó là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế; triển khai hình thức tiếp nhận và trả kết quả hoàn thuế điện tử, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra; triển khai cấp mã số thuế tự động cho người nộp thuế; xây dựng CSDL để phân loại, đánh giá xếp loại NNT theo mức độ tuân thủ để thực hiện quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro; triển khai dịch vụ một cửa điện tử của cơ quan thuế./.
Thoibaotaichinh