Chiêu trò lừa đảo giả danh cán bộ cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ những năm trước và không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây, mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, việc giả danh cán bộ cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản cũng đã diễn ra nhiều năm nay. Hiện tượng phổ biến là các đối tượng mạo danh là cán bộ của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế hoặc cơ quan công an để yêu cầu, ép buộc người dân phải mua các tài liệu, cài đặt phần mềm, tham gia vào các đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng… nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt. Điều đáng chú ý là các đối tượng lừa đảo thường xuyên cập nhật những tin tức mới từ các cơ quan nhà nước để dễ dàng tiếp cận người dân.
Ngày 28/5/2024, Trung tâm Hỗ trợ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh có Văn bản thông báo về sự cố kỹ thuật liên quan đến Ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong thời gian Hệ thống gặp sự cố kỹ thuật, người dân và doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Cùng thời gian đó, người dân và doanh nghiệp đã nhận được cuộc gọi mạo danh cán bộ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh liên hệ để hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Các đối tượng mạo danh đã hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cài đặt ứng dụng có chứa mã độc, chiếm quyền kiểm soát trên điện thoại di động (hệ điều hành Android), từ đó đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ ứng dụng ngân hàng điện tử được cài đặt trên điện thoại di động nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân, doanh nghiệp.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định không chủ động liên hệ người dân, doanh nghiệp qua điện thoại để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, cụ thể: (1) chỉ nên tải các ứng dụng được xác nhận từ các Bộ, ngành, địa phương thuộc cơ quan nhà nước; (2) không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, chuyển tiền hoặc thực hiện các hướng dẫn không theo quy định từ người lạ qua điện thoại.
Trong trường hợp, nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo mạo danh cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin, người dân và doanh nghiệp cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có cho cơ quan Công an để xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Sự cảnh giác và phản ứng kịp thời của người dân và doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn những hành vi lừa đảo tinh vi, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình.
Nguyễn Hữu Đức